Kế hoạch tài chính cho người trẻ muốn mua nhà

Nhu cầu sở hữu nhà ở hiện nay

Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2030, sẽ có đến gần 70% dân số Việt Nam sẽ tập trung sinh sống tại các đô thị lớn. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu nhà ở đang là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm, trong đó phải kể đến những nhóm người trẻ đang muốn chuẩn bị cho tương lai của mình. Thậm chí khi mà giá nhà đang có chiều hướng giảm nhiệt như hiện nay, đây là một chủ đề không thể bỏ qua đối với bất kỳ ai.

Thực tế, nhu cầu có riêng cho mình một căn nhà luôn là một mục tiêu, một mơ ước chung của hết thảy mọi người. Với những nhóm người nhập cư tại những thành phố lớn, quanh năm phải sinh sống trong những căn nhà thuê, nhu cầu này thậm chí còn cấp thiết hơn. Do vậy, việc sở hữu một căn nhà được xem như một cột mốc quan trọng cũng như góp phần không nhỏ giúp bạn ổn định cuộc sống.

Cụ thể, một căn nhà có thể đem lại cho bạn rất nhiều lợi ích mà bạn có thể không ngờ tới. Điều đầu tiên đó là bạn sẽ gạt bỏ được hoàn toàn những bất tiện mà việc thuê nhà đặt ra như những rắc rối đến từ chủ trọ hay sự bất tiện vì thiếu không gian riêng tư. Không chỉ vậy, việc sở hữu một căn nhà đảm bảo cho bạn nền tảng tài chính an toàn, giảm thiểu những rủi ro khi về già.  

Tuy vậy, nhưng không phải ai cũng biết được lộ trình để sở hữu được nhà ở một cách khôn ngoan. Thực vậy, một kế hoạch dài hạn như vậy đòi hỏi bạn rất nhiều sự chuẩn bị, nếu không bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng quá tải, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của bạn. 

Dự phòng một kế hoạch tài chính khôn ngoan

Điều đầu tiên mà một kế hoạch mua nhà khôn ngoan đặt ra đó là bạn phải nắm vững tình hình tài chính cá nhân của mình. Không hề là thừa khi bạn thống kê lại chi tiêu của mình từ 6 tháng đến 1 năm để hiểu rõ thói quen chi tiêu cũng như lọc đi những khoản chi không hợp lý.

Tiếp đến, hãy chắc chắn rằng bạn có khả năng kiểm soát hoặc tốt nhất là trả dứt điểm những khoản nợ hay tín dụng trước đó nếu có. Đây là một yêu cầu về mặt pháp lý mà các ngân hàng sẽ đặt ra cho bạn thông qua tỷ lệ DTI, từ đó đánh giá khả năng có nên tiếp tục cho bạn vay nợ hay không. Ngoài ra, việc này còn giúp bạn tập trung toàn bộ sức lực vào căn nhà mà mình sắp mua thay vì phải chịu thêm những áp lực từ những khoản nợ trước đó. 

Bên cạnh đó, bạn cũng phải dự trữ cho mình một khoản dự phòng khẩn cấp tương đương từ 6 đến 12 tháng lương, để đối phó với những vấn đề bất trắc xảy đến. Lý do là vì khi bạn tập trung tài chính cho những dự định của mình, bạn sẽ còn rất ít ngân sách để phản ứng với những tình trạng như thất nghiệp hay bệnh tật.

Lựa chọn phương án mua nhà phù hợp

Khi đã làm rõ tình hình tài chính của bản thân, giờ là bước để bạn xác định đâu là phương án mua nhà tối ưu nhất. Điều này phụ thuộc vào số tiền bạn có thể chi ra cho căn nhà của mình cũng như số tiền mà bạn dự định sẽ vay ngân hàng. 

Thông thường, các chuyên gia mua bán nhà ở sẽ gợi ý bạn nên vay ngân hàng từ 50% đến 70% số tiền để mua nhà ở. Tuy nhiên, nếu có thể, bạn nên cố gắng thanh toán trước một nửa để gánh nặng tài chính hàng tháng của bạn không trở nên quá áp lực và vẫn có khả năng trang trải các nhu cầu khác của bản thân cũng như gia đình.

Điều quan trọng hơn cả đó là bạn cần xây dựng cho mình một kế hoạch chi tiết và hợp lý để thanh toán khoản vay để mua nhà. Bạn có thể gửi tiền lương hằng tháng của mình vào một tài khoản tiết kiệm cũng như cắt giảm đi những chi tiêu xa xỉ. Ngoài ra, bạn cũng nên cố hết sức để gia tăng thu nhập. Một vài gợi ý mà bạn có thể cân nhắc như tìm kiếm một công việc tốt hơn, kinh doanh trực tuyến hoặc bạn cũng có thể đầu tư vào các giao dịch ngoại hối

Lời kết

Là một nhu cầu cấp thiết hiện nay, việc sở hữu cho riêng mình một căn nhà là mong muốn không của riêng ai. Thực vậy, ước mơ này không hề viển vông mà hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu bạn tối ưu được kế hoạch tài chính của bản thân. Với những chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như lựa chọn cho mình một lộ trình mua nhà thông minh, bạn sẽ sớm có thể thỏa mãn ước mơ của đời mình.